Thứ Tư, 24/04/2024 | 12:26 AM

OSC Việt Nam tổ chức tập huấn Quy trình quản lý khách sạn

Dựa trên nền tảng ISO 9001 - 2008 đang được áp dụng tại khách sạn Grand và VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam) đang được áp dụng tại khách sạn Palace, đồng thời dựa trên một số quy trình quản lý khách sạn của các tập đoàn khách sạn lớn trong và ngoài nước, OSC Việt Nam đã tiến hành xây dựng Bộ quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam.



Quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam được viết theo tiêu chuẩn khách sạn 4 sao quốc tế, bao gồm, 04 phòng: Phòng Kinh doanh Tiếp thị, Phòng Nhân sự, Phòng An ninh an toàn, Phòng Kế toán và 06 tổ: Lễ tân, Buồng, Bàn, Bếp, Dịch vụ và Kỹ thuật. Quy trình quản lý OSC Việt Nam được ban hành trên cơ sở phân tích và hình thành những công việc của người lao động trong khách sạn cần thực hiện để hoàn tất các yêu cầu của một công việc cụ thể. Mỗi bộ quy trình được chia thành 02 phần chính. Trong đó, phần một là bảng mô tả nội dung các chức danh công việc bao gồm: mô tả nhiệm vụ hàng ngày, định kỳ, quyền hạn, mối liên hệ và tiêu chuẩn chức danh cụ thể của người lao động; Phần hai là quy trình thực hiện công việc theo các bước, cách thức thực hiện và yêu cầu tiêu chuẩn tối thiểu để thực hiện một công việc của nhân viên.

Trải qua 06 tháng kể từ ngày thành lập tiểu ban biên tập quy trình với hơn 30 cuộc hội ý, tranh luận và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành của các thành viên là Giám đốc, phó Giám đốc các đơn vị và các thành viên tổ biên soạn là Trưởng các bộ phận trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ tại khách sạn để cùng thống nhất sơ đồ tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ các phòng tổ, mô tả chức trách nhiệm vụ từng chức danh công việc và các quy trình nghiệp vụ cụ thể.

Ngày 6/11/2014, Ông Thái Hồng Cương - Tổng Giám đốc công ty đã ban hành quyết định số 783/QĐ-OSCVN quyết định Ban hành Bộ tiêu chuẩn quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam và Kế hoạch số 834/KH-OSCVN ngày 22/11/2014 tổ chức tập huấn bộ Quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam. Theo sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc công ty các tổ biên soạn phải tập trung triển khai đào tạo cho tất cả các nhân viên tại các đơn vị khách sạn, đồng thời trong quá trình đào tạo, thu thập ý kiến góp ý, bổ sung và điều chỉnh bộ quy trình  sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Sau đó, tiến hành tổng hợp, điều chỉnh lại cho phù hợp trước khi in ấn và phát hành rộng rãi.

Trong buổi tập huấn, Ông Dương Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty -  trưởng tiểu ban biên soạn quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam đã giới thiệu khái quát về quy mô, tính đồng bộ, thống nhất về các nghiệp vụ giữa các đơn vị khách sạn trong cùng hệ thống OSC Việt Nam. Đồng thời, các Giám đốc khách sạn chịu trách nhiệm biên soạn các quy trình quản lý khách sạn theo từng nghiệp vụ trực tiếp hướng dẫn các nhân viên chi tiết hơn về cơ cấu tổ chức, mô tả công việc, quy trình các công việc để đảm bảo việc áp dụng quy trình quản lý tại bộ phận mình sao cho hợp lý và phù hợp.

Quy trình quản lý khách sạn OSC Việt Nam là nền tảng giúp các đơn vị khách sạn trực thuộc có cơ sở để tiến hành điều chỉnh thành các quy trình nghiệp vụ cụ thể phù hợp với từng đơn vị. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo ở trình độ cơ bản cho nhân viên và xác định nhu cầu đào tạo, tuyển dụng cho phù hợp với từng khách sạn. 



Thanh Hoàng
[1]23  
To Top